Ngoại thất là không gian mở, không có diện trần, thường chỉ có các diện đứng như tường, cột, cây xanh và diện ngang như sàn, đường đi, mặt đất, mặt nước… Ngoại thất tiếp xúc trực tiếp với môi trường tự nhiên nên những nguyên tắc chiếu sáng và đèn sử dụng cũng khác.
Về chất liệu, đèn ngoại thất phải được sản xuất từ những vật liệu bền vững (inox, nhôm hợp kim…), cấu trúc kín, hình dáng thô, khoẻ… Không nên dùng đèn sử dụng trong nội thất để lắp ngoài trời. Đèn sử dụng ngoại thất phải có độ kín để chống nước phun vào và côn trùng xâm nhập. Thường khi sản xuất đèn ngoại thất, nhà sản xuất luôn ghi rõ ngoài bao bì chỉ số chống xâm nhập theo tiêu chuẩn châu Âu. Tùy vị trí lắp đặt mà đèn ngoại thất phải có độ kín khác nhau. Khi thiết kế đèn, tùy theo chức năng và tiêu chuẩn sử dụng của đèn mà nhà sản xuất lựa chọn độ kín cần thiết. Ví dụ, đèn dùng cho bể cá cần độ kín IPx8 trong khi đèn cột chiếu sáng đường phố chỉ cần IP23. Cho nên, khi so sánh về mã số IP, cần phân biệt là sản phẩm dùng vào việc gì, ở đâu.
Do ngoại thất là không gian mở, nên việc sản xuất đèn ngoại thất đồng bộ kiểu dáng khác với nội thất. Trong khi bộ đèn nội thất thường có rất nhiều đèn treo trần, thì đèn ngoại thất lại rất nhiều đèn sàn (thường gọi là đèn nấm, đèn cây…) bởi trong không gian ngoại thất, sàn là diện chính và luôn đòi hỏi chiếu sáng rất phong phú. Về tính năng riêng, đèn ngoại thất thường được lắp thêm bộ cảm nhận hồng ngoại để có thể tự động thắp sáng, hoặc lắp thêm pin mặt trời kết hợp bóng đèn LED công suất thấp.
Hiện tại, nhiều sản phẩm đèn nấm sân vườn không được thiết kế để sử dụng trong môi trường ngập nước. Tuy nhiên, trên thực tế một số sản phẩm vẫn có thể hoạt động được ở một mức độ ngập nước nhất định. Phần dây điện nối với bóng đèn thường ở phía trên của chân đèn nên đèn vẫn có thể không bị chập điện và hoạt động được khi nước chưa ngập.
Chiếu sáng ngoại thất
Chiếu sáng chung: bố trí đèn để chiếu sáng toàn bộ khu vực ngoại thất, thường dùng chiếu sáng trong các trường hợp dạ tiệc ngoài trời hay dọn dẹp ngoại thất buổi tối.
Chiếu sáng nhấn: bố trí đèn chiếu riêng cho một vài khu vực thật đẹp trong ngoại thất như non bộ, tượng… dùng để thu hút thị giác buổi tối, mang tính dẫn hướng trong không gian.
Chiếu sáng trang trí: bố trí đèn để làm đẹp ngoại thất bằng ánh sáng, làm cho không gian ngoại thất thật sự phong phú, như chiếu sáng để làm nổi mảng tường đá sần sùi, chiếu hất ngược lên bụi hoa… Nếu không có chiếu nhấn, chiếu trang trí thì ngoại thất rất kém tương phản, nhạt nhoà và không hấp dẫn. Nó có thể phá hỏng hoặc ngược lại, làm cho buổi dạ tiệc hay bữa tối trong vườn có ý nghĩa hơn.
Về màu sắc, ánh sáng và màu sắc luôn là một cặp khi thiết kế không gian. Trong ngoại thất, do không gian rộng, nên nếu sử dụng nhiều loại ánh sáng có màu sắc khác nhau một cách có tính toán sẽ tạo nên nhiều ấn tượng phong phú. Ví dụ, trong nền chiếu sáng chung mang màu vàng ấm có thể tô điểm vài chỗ có ánh sáng lạnh như đèn LED xanh sáng trên tường hoặc dưới bể cá.
Vị trí lắp đèn ngoại thất
Người sử dụng thường có thói quen lắp đèn trên tường ngoài nhà, thân cột, đầu cột tường rào… những vị trí thường để chiếu sáng là chính và tiện để lắp dây dẫn điện. Nhưng như thế mới chỉ đáp ứng được nhu cầu chiếu sáng đơn thuần chứ chưa thể làm cho ngoại thất được “chiếu sáng đẹp”. Chính những đèn cây, đèn nấm “mọc” dọc lối đi, bên cạnh bụi hoa, hay chỉ đơn thuần chiếu sáng nhấn cho hòn non bộ mới tạo nên nhiều hấp dẫn cho ngoại thất khi tối trời.